1.Tết Hàn thực là gì?
Tết Hàn Thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Hàng năm, vào dịp này, các gia đình đều chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay để thờ cúng Phật và cúng ông bà, tổ tiên.
2. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch
* Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực:
Đây là một ngày lễ có nguồn gốc từ một số tỉnh thuộc Trung Quốc, đông đảo cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới và miền bắc Việt Nam. Được biết, ngày Tết này gắn liền với một điển tích Trung Quốc.
Chuyện kể rằng, vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua nước Tần là Tấn Văn Công vì gặp loạn mà phải bỏ nước lưu vong. Lúc bấy giờ có Giới Tử Thôi - một hiền sĩ theo phò vua và đã giúp nhà vua nhiều mưu kế. Trong một lần lánh nạn, vì đói quá mà lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt đùi của mình, nấu lên dâng vua. Sau đó, nhà vua hỏi ra, biết được sự thật nên vô cùng cảm kích tấm lòng của Giới Tử Thôi. Suốt mười chín năm, Giới Tử Thôi vẫn luôn theo phò nhà vua cùng nhau trải qua khó khăn, gian khổ, nỗ lực thành tài. Sau khi vua Tấn Văn Công giành lại được ngai vàng đã thưởng hậu hĩnh cho những người lưu vong nhưng lại quên mất người cận kề nhất là Giới Tử Thôi.
Bánh trôi là một món ăn cổ truyền trong ngày Tết Hàn Thực ở Việt Nam
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nên đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Về sau, khi vua Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm Giới Tử Thôi nhưng ông nhất định không quay về lĩnh thưởng. Vua Tấn Văn Công vì muốn thúc ép Tử Thôi quay về nhưng không được nên ra lệnh đốt rừng. Tuy nhiên, hai mẹ con Giới Tử Thôi vẫn quyết tâm không quay về và chịu chết cháy.
Sau đó, nhà vua hối hận về quyết định của mình và cho lập miếu thờ. Vào ngày 3 tháng 3, ngày mà hai mẹ con Tử Thôi bị chết cháy thì cấm dùng lửa để nấu ăn, thậm chí cơm cúng cũng phải làm từ hôm trước. Có lẽ vì vậy mà người ta gọi đây là ngày tết Hàn thực.
*Ý nghĩa của ngày tết Hàn thực 3/3 Âm lịch
Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt. Vào ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm, người dân đều ăn đồ nấu chín để nguội với tấm lòng thành kính nhất nhằm tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục của những người đã khuất.
Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất. Chẳng hạn người Việt có lệ dâng bánh trôi lễ Hai Bà Trưng vào ngày mùng 6/3 ở Hà Tây xưa (nay là thuộc Hà Nội). Tiếp đó, ngày giỗ tổ Hùng vương mùng 10/3 người Việt từ khắp mọi miền tổ quốc về đền Hùng, Phú Thọ thắp hương và dâng cúng những đĩa bánh trôi bánh chay, tưởng nhớ cội nguồn... Như thế, rõ ràng tết Hàn thực của ta mang màu sắc dân tộc riêng, trường tồn trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Bánh trôi bánh chay là đặc trưng của ngày lễ này. Từ xa xưa bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Như bài thơ của Hồ Xuân Hương:
Bánh Trôi nước
Thân em thời trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son
Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.
Vào những ngày này, cùng người thân thưởng thức một đĩa bánh trôi, bánh chay ta như cảm nhận được nhân tình thế thái. Nhiều người còn truyền tai nhau rằng, ăn bánh trôi bánh chay vào ngày này để ôn lại những chuyện xưa cũ, chuyện một thời đã xa của dân tộc ta.
Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chạy tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Và những truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay. Theo đó, bánh được làm từ thứ bột gạo nếp thơm mát, chút đường đỏ làm nhân. Sau khi nặn xong, chỉ cần thả bánh vào nồi nước đang sôi, khi bánh nổi lên mặt nước là báo hiệu bánh đã chín. Khi ăn rắc chút vừng hoặc chút nước đường lên trên và thưởng thức. Với mùi thơm phức đặc trưng của bánh trôi, bánh chay đã làm không khí tết dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.
Ngày tết Hàn thực 3/3 Âm lịch cũng góp phần tôn lên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc khi có món bánh trôi, bánh chay rất sáng tạo, độc đáo và đậm nét quê hương.
Trên đây là chia sẻ của trường Tiểu học thị trấn Yên Viên về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch. Hy vọng với những thông tin này, các em học sinh sẽ có được cái nhìn toàn diện và rõ ràng hơn về ngày tết Hàn thực.