Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Để bảo vệ những thành quả của cách mạng, giữ gìn độc lập tự do của dân tộc vừa giành được, quân và dân ta đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ và ác liệt.
Trong cuộc kháng chiến ấy, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và hy sinh. Đảng, Bác Hồ và nhân dân luôn biết ơn và dành tình cảm yêu thương cũng như ủng hộ về vật chất để chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh tận tình chu đáo. Nhiều hoạt động giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ đã được thực hiện, được nhiều người, nhiều tầng lớp tham gia, đặc biệt là các em nhỏ.
Bác Hồ thăm trại nuôi dưỡng thương binh
Xuất phát từ tình yêu thương đồng bào sâu sắc, tháng 2/1948, Bác Hồ đã phát động phong trào Trần Quốc Toản để các cháu thiếu nhi tham gia giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, bộ đội.
Bác đã viết thư cho thiếu nhi:
“Gửi các cháu nhi đồng trai và gái,
Bác gửi lời thân ái chúc các cháu nǎm mới.
Nǎm ngoái, các cháu gửi thư cho Bác rất nhiều. Tiếc vì bận việc quá, Bác không thể trả lời hết được khắp. Nhưng Bác nhớ các cháu luôn luôn, và biết rằng các cháu đều yêu nước, siêng học, siêng làm, giữ kỷ luật, thì Bác rất vui lòng.
Qua nǎm mới, Bác đề nghị các cháu làm một việc là: các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản.
Trần Quốc Toản là ai? Tổ chức thế nào, và để làm gì?
1- Cách đây chừng 700 nǎm, quân Mông Cổ đánh chiếm gần nửa châu Âu, chiếm gần hết châu Á, và lấy cả nước Trung Hoa. Lúc đó quân Mông Cổ đem 30 vạn lính đến đánh nước ta.
Do ông Trần Hưng Đạo cầm đầu, tổ tiên ta trường kỳ kháng chiến trải qua 4, 5 nǎm đánh tan quân Mông Cổ, nước ta lại được độc lập.
Trần Quốc Toản là cháu ông Trần Hưng Đạo, lúc đó mới 15, 16 tuổi, cũng đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công.
2- Bác không phải mong các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công, nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào.
3- Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào.
Trước thì giúp các nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ, v.v...
Đội này thi đua với đội khác. Mỗi tháng một lần, các đội báo cáo cho Bác biết. Đội nào giỏi hơn, Bác sẽ gửi giấy khen. Đó là ý kiến của Bác. Nếu cháu nào có nhiều sáng kiến, tìm ra nhiều cách giúp đỡ càng tốt.
Các cháu nên hiểu rằng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến. Và do đó, các cháu sẽ luyện tập cái tinh thần siêng nǎng và bác ái để sau thành người công dân tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, phong trào Trần Quốc Toản đã hoạt động hết sức thiết thực. Thực hiện sáng kiến của Bác, phong trào Trần Quốc Toản phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Tính sơ bộ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các em thiếu niên, nhi đồng đã giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ 27.192 công lao động, tát nước, gánh phân, làm cỏ, xay lúa, giã gạo, chăn trâu bò, v.v... Công tác Trần Quốc Toản đã trở thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi mãi với lịch sử và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền Phong mang tên Bác Hồ kính yêu. Ngày nay, công tác Trần Quốc Toản được phát triển với nhiều hình thức phong phú như: Đi tìm địa chỉ đỏ, áo lụa tặng bà, tiếng kẻng quê hương Nghệ An …
Những đội viên thiếu niên, nhi đồng khi tham gia công tác Trần Quốc Toản thường tổ chức thực hiện theo các chủ đề sinh động như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tháng đền ơn đáp nghĩa”, “Tháng thăm một lần, tuần làm một việc”,… Nhiều gia đình chính sách nhờ đó mặc dù cô đơn vì phần lớn chồng con họ đều ra trận hoặc đã hy sinh nhưng vẫn thấy ấm lòng. Sau ngày đất nước thống nhất, phong trào Trần Quốc Toản vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với hình thức hoạt động cũng ngày càng đa dạng và phong phú, thiết thực hơn trong cả nước.
Phong trào Trần Quốc Toản đã phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Phong trào tạo nên một tinh thần công tác mới thích hợp với lứa tuổi và điều kiện sinh hoạt của thiếu niên, nhi đồng, là niềm vui của tuổi thơ được góp phần thiết thực vào cuộc kháng chiến; giúp tổ chức Đội ngày càng trưởng thành hơn. Phong trào Trần Quốc Toản đã trở thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi với lịch sử và hoạt động của Đội ta.