Hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN, thư viện trân trọng giới thiệu tới quý thầy cô và các bạn cuốn sách "7 ngày và 35 năm" do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành với số lượng 191 trang, và được in trên khổ giấy 13x21cm.
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến
Với những ai đã từng biết đến câu chuyện cảm động xung quanh cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” thì con số 35 và 7 không chỉ là con số thông thường. Đó là những con số lay động không chỉ về cuốn nhật ký, về những bức ảnh mà còn nói lên sự khâm phục, sự ân hận, dày vò của quá khứ đối với hai anh em người cựu binh Mỹ Fred và Rob
- 35 năm là quãng thời gian mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm và phóng viên chiến trường Nguyễn Văn Giá hy sinh và cũng là khoảng thời gian mà cuốn nhật ký và những bức ảnh thấm đẫm máu của của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá gắn bó với Fred và những người cựu binh Mỹ.
- 7 ngày là khoảng thời gian mà anh em nhà Fred trở lại Việt Nam, hành trang họ mang theo đến Việt Nam là sự hồi hộp về thái độ của những người Việt Nam - những người một thời ở bên kia chiến tuyến; là người thân của những liệt sĩ mà chính họ và đồng đội đã từng xả súng giết hại và cả những cảm xúc, những dằn vặt, day dứt về một quãng thời gian vô nghĩa mà họ đã chiến đấu ở Việt Nam.
Mở đầu cuốn sách là lời kể của nữ phóng viên Mỹ Hằng, người đã theo họ trong suốt cuộc hành trình đến thăm Việt Nam, chị kể: “Trả lời câu hỏi đầu tiên của tôi tại sân bay Nội Bài, Fred nói: “Bạn còn quá trẻ, bạn không thể hiểu được đâu!” Nhưng kết thúc chuyến đi, Fred lại bảo: “Tôi không hiểu sao tôi lại chia sẻ với bạn nhiều đến vậy…”.
Và cái phần chia sẻ đó được phóng viên Mỹ Hằng thể hiện “đầy đủ, chân thực và đầy cảm động” ở phần Nhật ký 7 ngày.
Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về chuyến hành hương về chiến trường cũ của anh em nhà Fred, về những cảm nhận của chính tác giả, người được coi là “không thể hiểu” vì sinh ra sau chiến tranh về những người nghệ sĩ, chiến sĩ, những phóng viên của Tiểu ban Điện ảnh khu Năm (những đồng nghiệp của liệt sĩ Giá) đã một thời đối đầu với những người như Fred.
Rồi những câu chuyện về con người đời thường của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá và của Fred được thể hiện qua những chuyện chưa kể của chị Đặng Kim Trâm và nhóm phóng viên báo Lao Động.
Mối tình đầy cảm động của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Giá - Bùi Thị Ngọc Hiên; những ngày cùng công tác đầy gian khổ của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và phóng viên Nguyễn Văn Giá trên chiến trường Đức Phổ ác liệt được thể hiện sinh động và cuốn hút trong phần Hành trình 35 năm.
Cuốn sách cũng mang lại sự cảm nhận về chiến tranh qua góc nhìn “lãng mạn” của nhà văn Lê Minh Khuê, những đánh giá, nhìn nhận về hiện tượng “sốt nhật ký” của nhà sử học Dương Trung Quốc, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn phim tài liệu Đào Trọng Khánh, nhà lý luận phê bình văn học Vương Trí Nhàn, nhà thơ Trần Đăng Khoa…
Câu chuyện về chuyến đi 7 ngày của Fred đến Việt Nam cũng là kết thúc có hậu của câu chuyện 35 năm như Fred đã nói: “Bây giờ, tôi tin vào tất cả những điều linh thiêng…”
Cuốn sách 35 năm và 7 ngày ra đời đã nối tiếp vào “dòng sách” về chiến tranh, giúp bạn đọc, đặc biệt là lớp trẻ hiểu về một thời đã sống, đã chiến đấu của thế hệ đi trước.